Đường dây nóng cứu hộ, cứu nạn: 02437.333.664 - 02437.349.821 - 069.696.348 - Fax:02437.333.845

Thống kê truy cập Online: 576 Tổng số truy cập: 7,602,833

< 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 >

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh

Thực hiện chương trình công tác năm 2019, ngày 01 và 02/8/2019, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do đồng chí Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (Ban Chỉ đạo) làm trưởng đoàn đã đến làm việc với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh về công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai (PCTT) năm 2019. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo, lãnh đạo Văn phòng 2 Bộ Nông nghiệp và PTNT và lãnh đạo Viện Kỹ thuật Biển.

Sáng ngày 01/8, Đoàn Công tác của Ban Chỉ đạo đã đến làm việc tại tỉnh Tiền Giang về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), Về phía địa phương có Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh - Phạm Anh Tuấn cùng đại diện các sở, ban, ngành tiếp và làm việc với đoàn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang

Qua báo cáo của địa phương, trên địa bàn tỉnh có các loại hình thiên tai phổ biến như: Hạn hán xâm nhập mặn, dông lốc, lũ, sạt lở, bão và gió mạnh trên biển, trong đó 03 loại hình thiên tai sạt lở, dông lốc và hạn hán xâm nhập mặn là điển hình nhất. Những năm gần đây tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch tại tỉnh Tiền Giang ngày càng nghiêm trọng với quy mô, mức độ lớn, nhiều hơn các năm trước và có xu hướng gia tăng một cách đáng lo ngại. Theo số liệu thống kê từ năm 2010 – 2018, trên địa bàn tỉnh đã xử lý 655 điểm sạt lở bờ sông, kênh rạch với tổng chiều dài khoảng 50.273m. Trong 7 tháng đầu năm 2019 đã xuất hiện 81 điểm sạt lở với tổng chiều dài 4.100m; 05 cơn lốc xoáy làm thiệt hại 236 căn nhà, đổ ngã 142 cây ăn trái, 02 trụ điện hạ thế và nhiều cơ sở vật chất khác.

          Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện nhiều biện pháp như: Tuyên truyền giáo dục, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng, tổ chức diễn tập PCTT & TKCN, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, xây dựng các công trình PCTT,…Ban Chỉ huy PCTT & TKCN đã xây dựng và trình Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh phê duyệt các phương án ứng phó với các loại hình thiên tai như: Phương án ứng phó với lũ lụt; Phương án phòng tránh bão; Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão; Phương án phòng ngừa, ứng phó với hậu quả sóng thần; Phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả động đất; Phương án bảo vệ đê điều, công trình xung yếu.

Nhằm tăng nguồn lực cho công tác PCTT, tỉnh Tiền Giang cũng đã xây dựng và phê duyệt kế hoạch thu Quỹ PCTT và năm 2019 sẽ triển khai thu, đây là nguồn kinh phí hỗ trợ rất quan trọng cho địa phương trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong khi nguồn vốn của trung ương và địa phương còn hạn hẹp.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao công tác chuẩn bị cho PCTT của tỉnh Tiền Giang, đại phương đã quan tâm, triển khai thực hiện tốt công tác PCTT, chuẩn bị đầy đủ các biện pháp ứng phó. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: Tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp dưới tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tỉnh Tiền Giang cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin truyền thông, tập huấn, diễn tập PCTT, chuẩn bị đầy đủ vật tư trang thiết bị cho PCTT. Chú trọng phương châm “4 tại chỗ”, xây dựng cơ sở dữ liệu về PCTT, xây dựng thêm khu neo đậu, tránh trú tàu thuyền, tăng cường thu Quỹ PCTT để có tăng nguồn lực, lồng ghép kế hoạch PCTT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Toàn cảnh buổi làm việc

Sau buổi làm việc, đoàn đã đi kiểm tra sạt lở bờ sông tại tuyến sông Bảo Định, thành phố Mỹ Tho.

Sạt lở Tiền Giang

Chiều ngày 01/8/2019, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và các sở, ban ngành tỉnh Bến Tre. Về phía tỉnh Bến Tre có Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng cùng các sở, ban ngành liên quan cùng tham dự.

Đại diện phía tỉnh đã thông tin đôi nét về tình hình thiên tai và thiệt hại do thiên tai gây ra, cũng như công tác PCTT tại địa phương. Một số nét đáng chú ý như tình hình diễn biến xâm nhập mặn, công tác chuẩn bị ứng phó đã được các cấp, các ngành chủ động triển khai sớm nên không gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, các loại hình thiên tai như mưa dông, lốc xoáy, sóng to, gió mạnh trên biển thường xuyên xảy ra vào mùa mưa (từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 181căn nhà bị hư hỏng, tốc mái do dông lốc).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bến Tre

 Tỉnh cũng đã thực hiện việc tuyên truyền cảnh báo những nơi có nguy cơ sạt lở như: Cồn Phú Đa (Chợ Lách), bờ sông Mỏ Cày, bờ biển khu vực Cồn Ngoài xã Bảo Thuận - huyện Ba Tri, bờ biển khu vực xã Thừa Đức - huyện Bình Đại, khu vực Cồn Lợi xã Thạnh Hải – huyện Thạnh Phú,… Tỉnh đã chủ động các phương án sơ tán dân khi có tình trạng nguy hiểm khẩn cấp về thiên tai. Điểm nổi bật nhất của Bến Tre là triển khai thực hiệ tốt công tác diễn tập PCTT để ứng phó tốt khi thiên tai xảy ra, Bến Tre cũng đã triển khai thu Quỹ PCTT từ năm 2019.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTT&TKCN của tỉnh còn nhiều khó khăn. Cụ thể, một số địa phương báo cáo thiên tai chưa kịp thời, số liệu chưa rõ ràng, thời gian xác minh thiệt hại kéo dài; nguồn kinh phí cho công tác PCTT&TKCN của tỉnh còn hạn chế trong khi nhu cầu thực tế rất lớn; cán bộ làm công tác PCTT&TKCN các cấp, nhất là cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm nên chưa có nhiều kinh nghiệm,...

Đoàn kiểm tra đã ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong chủ động thực hiện công tác PCTT của tỉnh. Trưởng đoàn và các thành viên của đoàn kiểm tra đã nhận định, Bến Tre là một tỉnh đi đầu trong thực hiện Dự án cắm mốc hành lang bảo vệ bờ biển. Địa hình Bến Tre có mạng lưới sông ngòi chằng chịt, là một trong những địa phương dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thời tiết cực đoan, cần luôn có sự chủ động ứng phó, nhất là với tình hình xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, cần kiểm soát tình trạng lấn chiếm bờ sông, bờ biển, quản lý và sử dụng có hiệu quả Quỹ quản lý môi trường rừng và Quỹ PCTT, xây dựng cơ sở dữ liệu về PCTT, đầu tư xây dựng hạ tầng thủy sản và công trình giao thông. 

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng đại diện cho tỉnh đã tiếp thu các ý kiến của Thứ trưởng và đoàn công tác. Đồng thời, lưu ý các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, phương án PCTT,… để công tác PCTT của địa phương đạt hiệu quả cao.

Sau buổi làm việc đoàn đi khảo sát thực địa tại công trình Hồ chứa nước ngọt (chống hạn, ngăn mặn) tại huyện Ba Tri.

Công trình hồ chứ nước ngọt tỉnh Bến Tre

Sáng ngày 02/8/2019, đoàn công tác đã đến làm việc với tỉnh Trà Vinh, cùng làm việc với đoàn có Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Lâm và đại diện các sở, ban ngành của địa phương.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ dạo tại buổi làm việc với UBND Trà Vinh

Theo báo cáo của địa phương, từ đầu năm 2019 đến nay, thiên tai đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sinh hoạt đời sống của người dân. Các loại hình thiên tai đã xảy ra bao gồm triều cường, mưa lớn kèm theo dông, lốc, sạt lở với tổng thiệt hại ước tính khoảng 4.741,192 triệu đồng (tính kể cả phần kinh phí sửa chữa, khắc phục công trình). Công tác khắc phục hậu quả đã được địa phương tổ chức thực hiện tốt. Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đã đề xuất, tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí từ nguồn Quỹ PCTT của tỉnh cho các địa phương, đơn vị khắc phục thiệt hại do thiên tai với tổng số tiền là: 1.832 triệu đồng.

Với tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm và thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các ngành, các cấp chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Thường trực Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh tham mưu UBND tỉnh xây dựng và Ban hành Kế hoạch PCTT và rà soát, cập nhật bổ sung phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai.

Để thực hiện tốt công tác PCTT trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Trà Vinh cũng đã trình bày những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị, cụ thể như sau:

- Nguồn nhân lực tại các cơ quan Thường trực PCTT các cấp đa số là kiêm nhiệm; cán bộ cấp cơ sở thường xuyên thay đổi. Đề nghị Ban Chỉ đạo có hướng dẫn và quy định cụ thể về biên chế chuyên trách PCTT của địa phương;

- Sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung thay thế Nghị định 94 để giúp địa phương thuận lợi trong công tác thu, quản lý và sử dụng Quỹ cho hoạt động PCTT;

- Có hướng dẫn cụ thể về việc thành lập các đội xung kích PCTT cấp xã, do hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn về quy chế hoạt động, chưa có các tài liệu tuyên truyền, tập huấn kỹ năng, nâng cao năng lực nên rất khó trong việc thành lập cũng như đảm bảo hoạt động.

- Ban hành quy định hướng dẫn về công tác trực ban PCTT cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp cho phù hợp với Thông tư số 31/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực PCTT để địa phương có cơ sở xây dựng Quy chế trực ban cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp.

- Hỗ trợ kinh phí để thực hiện các dự án trọng điểm và khắc phục cấp bách các điểm sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.

Thay mặt đoàn công tác, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã đánh giá cao sự quan tâm và nỗ lực của địa phương đối với công tác PCTT. Đồng thời, trước tình hình diễn biến cực đoan của thiên tai, ngày càng phức tạp, khó lường, Thứ trưởng đã yêu cầu địa phương trong thời gian tới cần phải chú trọng thực hiện tốt phương châm ”4 tại chỗ”; Có sự chuẩn bị, kiểm tra thường xuyên để đáp ứng hiệu quả khi thiên tai xảy ra, các cấp các ngành cần có sự phối kết hợp đồng bộ trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về PCTT; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; Thực hiện tốt chương trình phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết 120 của Chính phủ, nhất là xây dựng các mô hình mới hiệu quả và chặt chẽ hơn; Lồng ghép kế hoạch PCTT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để nâng cao hiệu quả công tác PCTT.

Thay mặt địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Lâm đã tiếp thu ý kiến của đoàn, đồng thời chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan thực hiện tốt hơn nữa công tác PCTT trong thời gian tới.

Đoàn đã đi kiểm tra thực địa sạt lở bờ sông tại Cù lao Long Trị, xã Long Đức và một số điểm sạt lở mới trên địa bàn thành phố Trà Vinh.

Đoàn công tác đi kiểm tra ở Trà Vinh

Chi cục PCTT miền Nam.