Đường dây nóng cứu hộ, cứu nạn: 02437.333.664 - 02437.349.821 - 069.696.348 - Fax:02437.333.845

Thống kê truy cập Online: 350 Tổng số truy cập: 7,599,461

< 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 >

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm tra công tác PCTT 2019 tại 03 tỉnh Long An, Đồng Tháp và An Giang của

Thực hiện chương trình công tác năm 2019, từ ngày 29/7 - 30/7/2019, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do đồng chí Lâm Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội - Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (Ban Chỉ đạo) làm trưởng đoàn đã đến làm việc với các tỉnh Long An, Đồng Tháp và An Giang về công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai (PCTT) năm 2019. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo và lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam.

Sáng 29/7, Đoàn Công tác của BCĐ đã đến làm việc tại tỉnh Long An về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), Về phía địa phương có Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh cùng đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh tiếp và làm việc với đoàn.

Qua báo cáo của tỉnh Long An, toàn tỉnh có 15/15 huyện, thị xã, thành phố và 192/192 xã, phường, thị trấn đã kiện toàn Ban Chỉ huy và xây dựng, ban hành kế hoạch PCTT&TKCN.

Thời gian qua, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh có chuẩn bị, bố trí vật tư, phương tiện, trang thiết bị bảo đảm an toàn dân cư khi xảy ra thiên tai. Cụ thể, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn đến nay có trên 2.300 xuồng cứu hộ các loại, 13 tàu tìm kiếm cứu nạn loại trên 2 tấn, trên 10.000 phao cứu sinh,...; 44 xe cứu thương; đội y tế lưu động tuyến tỉnh 2 đội, tuyến huyện 30 đội; tổng lượng gạo dự trữ thường xuyên hơn 47.000 tấn,...

Từ đầu năm 2019 đến nay, Long An hỗ trợ ổn định cuộc sống của người dân, trong đó TP.Tân An sạt lở đất làm sập 8 căn nhà, nứt sụt lún đất 7 căn xuống sông Vàm Cỏ Đông; ngoài ra, sập đổ 32 căn, tốc mái 650 căn và 1 người chết, 8 người bị thương tại các huyện Thủ Thừa, Bến Lức, Tân Trụ,... do dông, lốc.

Ước tổng thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh đến nay khoảng 22 tỉ đồng. Đến ngày 24/7, tỉnh thu Quỹ Phòng, chống thiên tai được trên 12,2 tỉ đồng; trong đó, chi gần 2,7 tỉ đồng, còn 9,52 tỉ đồng. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTT&TKCN của tỉnh còn nhiều khó khăn. Cụ thể, một số địa phương báo cáo thiên tai chưa kịp thời, số liệu chưa rõ ràng, thời gian xác minh thiệt hại kéo dài; nguồn kinh phí cho công tác PCTT&TKCN của tỉnh còn hạn chế trong khi nhu cầu rất lớn; cán bộ làm công tác PCTT&TKCN các cấp, nhất là cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm nên chưa có nhiều kinh nghiệm khi xảy ra thiên tai,...

Để bảo đảm đủ nguồn lực thực hiện đầu tư các danh mục công trình trong kế hoạch phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai kết hợp xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh kiến nghị xem xét đầu tư các công trình cấp bách: Hỗ trợ kinh phí 50 tỉ đồng để xây dựng cấp bách bờ kè chống sạt lở khu vực 300m bờ sông Vàm Cỏ Tây (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An); hỗ trợ kinh phí khoảng 20 tỉ đồng xây dựng cấp bách bờ kè chống sạt lở khu vực Miễu Ông Bần Quỳ (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ);...

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội - Lê Tấn Dũng ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực của Ban Chỉ huy PCCN&TKCN các cấp trong việc PCTT&TKCN. Ngoài ra, ông đề nghị tỉnh Long An cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và cảnh báo người dân về tình hình giông, lốc; rà soát lại các kênh, rạch để dánh giá và có biện pháp ưu tiên ở những nơi cấp bách; tiếp tục rà soát các đê bao khép kín và đê bao lửng để bảo đảm an toàn sản xuất lúa Thu Đông,...Ngoài ra, Đoàn cũng ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Long An và sẽ trình lên BCĐ để xem xét, giải quyết. 

Đoàn công tác đi thực địa tại Long An

Cùng ngày, Đoàn Công tác đã kiểm tra tình hình sạt lở tại xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An và một số tuyến đê bao xung yếu tại huyện Tân Thạnh.

Tiếp theo chương trình, chiều ngày 29/7, Đoàn đã đi kiểm tra thực địa tại khu vực sạt lở sông Hổ Cứ ở xã Hoà An (TP. Cao Lãnh), tỉnh Đồng Tháp.

Sáng ngày 30/7, Đoàn công tác của BCĐ có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp để kiểm tra công tác PCTT năm 2019. Về phía địa phương có Đồng chí Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp và các sở, ban ngành tiếp và làm việc với đoàn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu - PCTT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án PCTT ở các địa phương. Kiểm tra công tác PCTT theo phương châm “4 tại chỗ” về ứng phó với bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất...; đẩy mạnh xây dựng các công trình trọng điểm phục vụ PCTT.

Từ đầu năm đến nay, bão và áp thấp nhiệt đới tuy không ảnh hưởng trực tiếp trên địa bàn tỉnh nhưng gián tiếp gây ra mưa to, dông lốc, sấm sét... gây thiệt hại nghiêm trọng về người (2 người chết, 5 người bị thương) và tài sản (ước tính khoảng 8,23 tỷ đồng). Sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu xảy ra tại 11 xã, phường, thị trấn trong tỉnh với chiều dài sạt lở 15,8km, làm chết 1 người, ước giá trị thiệt hại khoảng 4,8 tỷ đồng.

Ban Chỉ đạo tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện dự án khảo sát, đánh giá tổng thể tình hình sạt lở sông Tiền và đề xuất giải pháp chính trị; hỗ trợ kinh phí khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông Tiền trên địa bàn xã Tịnh Thới (TP.Cao Lãnh), với tổng kinh phí 90 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án Kè Hổ Cứ, xã Hoà An (TP.Cao Lãnh) với kinh phí 60 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng 12 cụm, tuyến dân cư trên địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố để bố trí ổn định cho hơn 2.400 hộ dân nằm trong vùng sạt lở, kinh phí khoảng 657 tỷ đồng...

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Đồng Tháp trong thực hiện công tác PCTT thời gian qua. Đồng chí Lê Tấn Dũng đề nghị Đồng Tháp cần tiếp tục chủ động, sẵn sàng trong PCTT; tiếp tục triển khai các giải pháp PCTT hiệu quả; tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân chủ động PCTT; kiên quyết di dời người dân khỏi các khu vực sạt lở nguy hiểm, kịp thời bố trí chỗ ở ổn định cho người dân.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đồng tình với những kiến nghị mang tính lâu dài của tỉnh Đồng Tháp và cho biết sẽ ghi nhận, tổng hợp, báo cáo về BCĐ và Chính phủ.

Đoàn công tác làm việc và đi kiểm tra tại Đồng Tháp

 Ngày 30-7, Đoàn công tác BCĐ tiếp tục có buổi làm việc với UBND tỉnh An Giang về kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai năm 2019. Về phía địa phương có đồng chí Nguyễn Sỹ Lâm – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành cùng làm việc.

Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang đã xảy ra 13 điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch (TP Long Xuyên: 03 điểm; Thị xã Tân Châu: 04 điểm; huyện An Phú: 02 điểm; Chợ Mới: 02 điểm; Châu Phú: 02 điểm), với chiều dài sạt lở 1.119 m, ảnh hưởng đến 70 căn nhà phải di dời khẩn cấp.

Về thiệt hại do mưa, dông, lốc: Ước tổng thiệt hại trên 12 tỷ đồng.

- Thiệt hại về người: 02 người bị sét đánh (01 ở xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên ngày 22/7 và 01 ở xã Cần Đăng, huyện Châu Thành ngày 23/7).

- Thiệt hại về nhà ở: Đã xảy ra 13 vụ mưa, dông lốc thiệt hại 1.316 căn nhà (trong đó: 64 căn bị sập; 1.252 căn bị tốc mái, xiêu vẹo), nhiều thiệt hại về diện tích sản xuất nông nghiệp và cơ sở vật chất khác. Điển hình là trận mưa, dông lốc và mưa đá gày 23/7 đã gây thiệt hại 1.047 căn nhà: tại thị xã Tân Châu (713 căn), huyện An Phú (07 căn), huyện Phú Tân (52 căn), huyện Chợ Mới (265 căn), TP Long Xuyên (10 căn). Trong đó: 43 căn bị sập; 1.004 căn bị tốc mái, xiêu vẹo.

Qua đó, cho thấy tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là dông lốc và sạt lở đất trong 7 đầu năm 2019; về dông lốc thì gây thiệt hại với quy mô lớn và trên diện rộng.

Địa phương đã tích cực chủ động trong công tác PCTT, ban hành đầy đủ hệ thống văn bản chỉ đạo, xây dựng các kế hoạch, phương án ứng phó với các loại hình thiên tai; thực hiện tốt công tác thông tin truyền thông và đào tạo tập huấn nâng cao năng lực PCTT cho cán bộ và nhân dân,…; có sự vào cuộc của các cấp các ngành và toàn xã hội trong công tác PCTT.   

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: An Giang chịu nhiều thiệt hại do mưa bão, giông lốc và sạt lở. Tỉnh đã chủ động ứng phó thiên tai, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Thứ trưởng đề nghị địa phương kịp thời nắm tình hình diễn biến thời tiết, tiếp tục khắc phục hậu quả thiệt hại, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Đoàn sẽ ghi nhận các kiến nghị của tỉnh gửi đến Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét trình Chính phủ.

Sáng cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cùng đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra, khảo sát thực địa tại khu vực sạt lở Vàm Cái Hố (xã An Thạnh Trung, Chợ Mới), hiện trường dông lốc làm sập và tốc mái 265 căn nhà ở huyện Chợ Mới chiều ngày 23/7 và tình hình sạt lở Quốc lộ 91 bờ sông Hậu.

Một số hình ảnh của đoàn công tác làm việc và đi thực địa tại An Giang

Chi cục Phòng chống thiên tai miền Nam