Đường dây nóng cứu hộ, cứu nạn: 02437.333.664 - 02437.349.821 - 069.696.348 - Fax:02437.333.845

Thống kê truy cập Online: 395 Tổng số truy cập: 7,634,961

< 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 >

Nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở

Đó là chủ để của phiên họp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì diễn ra vào sáng ngày 26/7, tại Hội nghị Phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”. Tham dự phiên họp có Lãnh đạo các ngành Phòng chống thiên tai, Thủy lợi, Nông nghiệp…, một số Bộ ngành liên quan, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng thảo luận.

 

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

ĐBSCL  là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, với những thành tựu nổi bật, góp phần phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an ninh lương thực và giảm nghèo. Những thành tựu trên xuất phát từ chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự vào cuộc của tất các các ngành/các cấp, sự sáng tạo của nhân dân và doanh nghiệp, và sự chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế. Ngành nông nghiệp cũng đã có rất nhiều nỗ lực phát triển nông nghiệp bền vững, thích nghi với BĐKH đã được triển khai tại đồng bằng trên tất cả các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi.

 

Tuy nhiên ĐBSCL đang đối diện với những thách thức vô cùng to lớn : Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã, đang và sẽ làm gia tăng nguy cơ xâm nhập mặn, khí hậu cực đoan và thiên tai. Đồng bằng Sông Cửu Long đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng rất của các hoạt động phát triển thượng nguồn, sự suy kiệt thảm thực vật, sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là nông nghiệp gây ra những nguy cơ về thay đổi chế độ thủy văn dẫn đến thiếu nước về mùa khô, giảm lượng phù sa, bùn cát, giảm đa dạng sinh học và nguồn cá tự nhiên, đẩy sớm và tăng cường độ xâm nhập mặn, sụt lún, sạt lở và các thiên tai. Việc phát triển dựa trên thâm canh nông nghiệp và khai thác tài nguyên như trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều điểm chưa bền vững. Việc tập trung quá mức vào sản xuất lúa thâm canh 3 vụ/năm đã tác động nghiêm trọng đến không gian chứa lũ, dòng chảy lũ, nước ngầm, độ phì nhiêu của đất và môi trường. Phát triển thủy sản thiếu bền vững những năm trước đây cũng gây tổn hại nghiêm trọng đến rừng ngập mặn các vùng ven biển, làm gia tăng sạt lở và xâm nhập mặn. Phát triển cơ sở hạ tầng với quy mô lớn làm gia tăng lấn chiếm lòng, bờ kênh rạch, gây ô nhiễm môi trường nước. Gần đây, việc khai thác cát quá mức và sử dụng nước ngầm bừa bãi thiếu quy hoạch gây sụt lún và sạt lở bờ biển, giảm bùn cát bồi đắp.

 

Một trong những thách thức đó là thiên tai và biến đổi khí hậu: Sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, nước biển dâng

ĐBSCL thường xuyên diễn ra tình trạng sạt lở, gây nguy hiểm và thiệt hại ngày càng nghiêm trọng

 

Qua thống kê sạt lở từ năm 2010 trở lại đây, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 562 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 786 km. Sạt lở bờ sông chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền và sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch. Hiện nay có 513 điểm sạt lở với tổng chiều dài 520km. Sạt lở bờ biển Từ năm 2010 đến nay có diễn biến rất phức tạp xu thế ngày càng gia tăng, tốc độ xói đã vượt tốc độ bồi làm diện tích khu vực Đồng bằng giảm khoảng 300ha/năm. Hiện nay, có 49 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài 266km, trong đó: 40 khu vực thường xuyên bị xói lở, với tốc độ xói lở từ (10 – 45) m/năm; 9 khu vực xói, bồi xen kẽ theo mùa. Ngoài ra cũng có 22 khu vực thường xuyên bị bồi lắng với tốc độ bồi lắng từ (3 – 10) m/năm. Nguyên nhân và tác động gây xói lở bờ song, bờ biển do xây dựng hồ chứa; khai thác cát; phát triển dân số, cơ sở hạ tầng, do tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, lũ lụt, do các nguyên nhân khác như lún sụt đất, qui luật tự nhiên của lòng dẫn, tác động của sóng….

Tại phiên họp, Tổng cục Phòng chống thiên tai – Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề ra các giải pháp ứng phó với sạt lở đất bờ sông, bờ biển bao gồm:

-         Tăng cường quản lý khai thác cát: (i) Cấp phép khai thác: Lượng cát khai thác, thời gian, địa điểm khai thác phải căn cứ vào lượng cát từ thượng lưu về theo từng năm để quyết định, lượng khai thác phải đảm bảo trong giới hạn để từng bước phục hồi lòng sông và khu vực ven biển; (ii) Giám sát và xử phạt: tăng cường công tác giám sát, làm rõ trách nhiệm của từng cấp chính quyền địa phương trong khai thác cát, có biện pháp xử phạt với chế tài mạnh đủ sức răn đe; (iii) Phải có giải pháp để cung cấp vật liệu thay thế cát tự nhiên; (iv) Tổ chức lại phương thức nạo vét; hợp tác với Hà Lan để đổi mới công nghệ và tổ chức nạo vét hệ thống kênh rạch ĐBSCL; thúc đẩy hợp tác công tư cho nạo vét kênh.

 

-         Khu vực ven sông: Từng bước tổ chức, bố trí lại không gian quy hoạch đô thị và nông thôn theo hướng: (i) Khu vực ven sông, kênh rạch lớn: nghiêm cấm xây dựng các công trình làm thu hẹp dòng chảy, ở ven sông, bãi sông (trừ khu vực lõi đô thị), dành quỹ đất  làm hành lang an toàn cho đường và đê; (ii) Đảm bảo yêu cầu lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội theo quy định của pháp luật; (iii) Di dời và tổ chức lại ngay dân cư các vùng có nguy cơ sạt lở cao; (iv) Di dời lồng bè nuôi thủy sản khỏi các vùng có nguy cơ sạt lở.

 

-         Khu vực ven biển: (i) Rà soát quy hoạch đê biển ĐBSCL phù hợp với các kịch bản biến đổi khí hậu; mời chuyên gia Hà Lan và các nước có kinh nghiệm rà soát và đề xuất quy hoạch đê biển khu vực ĐBSCL; (ii) Ổn định dân cư và bảo vệ, phát triển trồng rừng ngập mặn; (iii) Tăng cường hợp tác quốc tế để nghiên cứu nguyên nhân, xu thế, giải pháp hiệu quả cho từng khu vực.

 

# Trong hai ngày 26-27/9/2017, tại Thành phố Cần thơ diễn ra Hội nghị “Phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Đây là hội nghị đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn để xem xét, đánh giá một cách toàn diện các thách thức, yêu cầu phát triển đặt ra đối với vùng ĐBSCL. Hơn 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các Ban Đảng, Quốc hội, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân trong vùng ĐBSCL và khu vực lân cận, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ tập trung thảo luận về hàng loạt nội dung lớn.

Văn phòng thường trực BCĐ TW PCTT