Đường dây nóng cứu hộ, cứu nạn: 02437.333.664 - 02437.349.821 - 069.696.348 - Fax:02437.333.845

Thống kê truy cập Online: 203 Tổng số truy cập: 7,645,959

< 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 >

Họp giao ban ứng phó với Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão ngày 03/6/2018

Ngày 03/6/2018, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp giao ban để chủ động ứng phó với diễn biến của Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Chủ trì cuộc họp là Phó Chánh Văn phòng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn, đại diện các đơn vị liên quan như Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Ngoại Giao, Cục Kiểm ngư – Tổng cục Thủy sản và các đơn vị thuộc Tổng cục Phòng chống thiên tai.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 07 giờ ngày 03/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Trong 24 giờ tới, Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành bão. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ vùng tâm bão.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã đưa ra những nhận định về tình hình, diễn biến của Áp thấp nhiệt đới thì đây là một trong những tình huống thiên tai phức tạp, dự kiến bão sẽ chạy dọc biển, miền Trung lên miền Bắc, duy trì cách bờ 300-400km, trái với dự đoán ban đầu là vùng áp thấp phía Đông Philippine phát triển gây ảnh hưởng suy yếu áp thấp nhiệt đới trong biển Đông nước ta.

Ông Hoàng Đức Cường phát biểu tại cuộc họp

Theo báo cáo của Đại tá Trần Dương Kiên – Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng về tình hình tầu thuyền thì hiện tại cũng đã triển khai công tác kiểm đếm và hướng dẫn tầu thuyền trên biển sớm vì đặc thù vùng biển này đang tập trung lượng lớn tầu thuyền đánh bắt thủy sản. Tùy tình hình thực tế của Áp thấp nhiệt đới và bão để thực hiện việc kêu gọi tầu thuyền, vì vậy ông cũng đề nghị Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương theo dõi sát tình hình Áp thấp nhiệt đới, tăng cường bản tin để chủ động trong chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ.

Đại tá Trần Dương Kiên phát biểu tại cuộc họp

Về công tác triền khai của lực lượng sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Trung tá Đỗ Huy Phương - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cũng đã báo cáo công tác chuẩn bị từ rất sớm. Ủy ban đã có những chỉ đạo rất tích cực từ ban đầu khi nhận được thông tin, lực lượng bộ đội khoảng 50.000 người đã sẵn sàng cả về nhân lực, vật lực để ứng phó với tình huống trước diễn biến của thiên tai.

Trung tá Đỗ Huy Phương phát biểu tại cuộc họp

Ngoài ra, đại diện Bộ Ngoại giao, Cục Kiểm ngư cũng đã có những tham luận tại cuộc họp.

Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị, Phó Chánh Văn phòng thường trực – Phó Tổng cục Trưởng Nguyễn Trường Sơn đã nhận định, Áp thấp nhiệt đới còn diễn biến khá phức tạp khi chạy dọc bờ biển nước ta từ miền Trung ra miền Bắc và khả năng mạnh lên thành bão. Bên cạnh đó, ngoài khơi phía Đông Phillipine cũng đang hình thành một vùng áp thấp, khu vực Áp thấp nhiệt đới di chuyển vào vùng đang có nhiều tầu thuyền đánh bắt hải sản. Vì vậy, Phó Chánh văn phòng đã yêu cầu Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi chặt chẽ, thông tin thường xuyên và tăng cường các bản tin dự báo sớm về Áp thấp nhiệt đới và bão để phục vụ công tác chỉ đạo và điều hành. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Cục Kiểm ngư phối hợp nắm bắt tình hình tầu thuyền, hướng dẫn tầu thuyền thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, thường xuyên thông tin về bờ. Bộ Ngoại giao có công hàm gửi nước bạn khi cần tạo điều kiện cho tầu thuyền tránh trú.

Phó Chánh Văn phòng thường trực – Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trường Sơn kết luận tại cuộc họp

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT