Đường dây nóng cứu hộ, cứu nạn: 02437.333.664 - 02437.349.821 - 069.696.348 - Fax:02437.333.845

Thống kê truy cập Online: 730 Tổng số truy cập: 7,646,856

< 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 >

Hội thảo giữa kỳ Dự án Quản lý và GNRR hạn hán và lũ lụt Tiểu vùng sông Mê Kông

Trong khuôn khổ Dự án Quản lý và Giảm nhẹ rủi ro hạn hán và lũ lụt Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (Dự án ADB-GMS1),  ngày 20/7/2018 tại Thành phố Cần Thơ, Ban Quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi (CPO) tổ chức Hội thảo giữa kỳ gói thầu Tư vấn Quản lý rủi ro lũ lụt, hạn hán và thiên tai dựa vào cộng đồng nhằm giới thiệu về kết quả triển khai, chia sẻ kinh nghiệm và tham vấn ý kiến đóng góp của các đơn vị liên quan.

Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo Ban quản lý Dự án, Lãnh đạo và đại diện một số đơn vị thuộc Tổng cục Phòng chống thiên tai, Hội đồng nghiệm thu sản phẩm, Lãnh đạo Văn phòng Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Ban quản lý dự án 02 tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam.

Tham dự và phát biểu tại Hội nghị, Ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chia sẻ, khu vực đồng bằng Sông Cửu Long có vị trí rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng cũng là vùng dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt liên quan đến việc khai thác và quản lý nguồn nước của sông Mê Kông...

 

Ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chia sẻ tại Hội thảo

Tháng 11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu trong đó đưa ra quan điểm chỉ đạo và định hướng chiến lược: chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; chú trọng bảo vệ đất, nước và đặc biệt là con người; trong đó tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi. Chú trọng việc giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, ứng phó với các kịch bản bất lợi nhất có thể xảy ra.

Đại diện nhà thầu, Ông Ick Hwan Ko, Phó tổng giám đốc Tập Đoàn tư vấn kỹ thuật Yooshin (Hàn Quốc) đã trình bày tại Hội thảo tiến độ và kết quả triển khai gói thầu theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt, các báo cáo kỹ thuật chính về quản lý lũ xuyên biên giới, tiêu chuẩn thiết kế công trình phòng, chống thiên tai, quản lý hạn hán, quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng,..

Toàn cảnh Hội thảo

Các đại biểu tham gia Hội thảo đánh giá cao các kết quả bước đầu triển khai các hoạt động Hợp đồng gói thầu tư vấn GMS1-HP13 do Tập đoàn Yooshin và các các đối tác Việt Nam đã thực hiện. Tuy là sản phẩm giữa kỳ nhưng phần lớn đã phản ánh được thực trạng công tác quản lý rủi ro thiên tai và hiện trạng các công trình có liên quan trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt tại hai tỉnh được tiến hành các nghiên cứu chi tiết là Tiền Giang và Đồng Tháp; các báo cáo đã có sự tiếp thu có kế thừa các sản phẩm nghiên cứu trước đây, tuy nhiên cần bổ sung các yếu tố ngoại cảnh và tình hình phát triển kinh tế xã hội, xây dựng công trình phía thượng nguồn, làm cơ sở đánh giá đúng các yếu tổ ảnh hưởng đến hiện trạng lũ tại đồng bằng, các đề xuất về quản lý và giảm nhẹ rủi ro hạn hán và lũ lụt tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng. Trong phát biểu kết thúc Hội thảo, Ông Nguyễn Trường Sơn yêu cầu nhóm Tư vấn cần bám sát quan điểm chỉ đạo, định hướng chiến lược của Chính phủ để triển khai trong khuôn khổ gói thầu và dự án, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng Bằng Sông Cửu long trong bối cảnh biến đổi khí hậu./.

# Ghi chú: Dự án ADB-GMS1 với mục tiêu tổng thể: “Nâng cao năng lực của cộng đồng để chuẩn bị, đối phó và khắc phục các rủi ro và giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do lũ lụt và hạn hán gây ra đối với kinh tế - xã hội của địa phương vùng dự án thuộc đồng bằng sông Cửu Long”.

Với sự hỗ trợ của ADB thông qua viện trợ không hoàn lại của Quĩ quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp, đơn vị tư vấn của Hàn Quốc đã được tuyển chọn và thực hiện một số nhiệm vụ từ 02/01/2018 nhằm góp phần thực hiện Hợp phần 1 và 3 của dự án, gồm:

  • Cập nhật tiêu chuẩn và xây dựng tiêu chí thiết kế các công trình thủy lợi vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long;
  • Nghiên cứu đề ra giải pháp quản lý lũ tràn biên giới Việt Nam – Campuchia vùng Đồng Tháp Mười;
  • Nâng cao năng lực quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho 50 xã nằm trong vùng dự án thuộc 2 tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp.
Theo CPO– Dự án ADB GMS1