Đường dây nóng cứu hộ, cứu nạn: 02437.333.664 - 02437.349.821 - 069.696.348 - Fax:02437.333.845

Thống kê truy cập Online: 444 Tổng số truy cập: 7,647,093

< 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 >

Hội thảo "Tăng cường trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới trong giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu"

Ngày 31/7/2018, tại khách sạn Candle - 287 Đội Cấn, Hà Nội, Tổng cục Phòng chống thiên tai phối hợp với Văn phòng UN Women tại Việt Nam, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức hội thảo "Tăng cường trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới trong giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu".

Tham dự hội thảo, có Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan; Tổng cục thống kê; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; các tổ chứ phi chính phủ: Hội Chữ thập đỏ Thụy sỹ, Oxfram, SNV, GIZ, WWF, World Vision,... Chủ trì hội nghị là đại diện của Tổng cục Phòng chống thiên tai, UN Women và Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai, bà Đoàn Thị Tuyết Nga - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế đã phát biểu khai mạc hội thảo. Trong đó nhấn mạnh: "Thiên tai thường gây ra những tác động nặng nề nhất đến những nhóm người dễ bị tổn thương, những nhóm yếu thế trong xã hội, như người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người già, người dân tộc thiểu số, người tàn tật. Những nhóm người này thường sống ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sinh kế và cuộc sống của họ cùng thường bị tác động trước tiên khi thiên tai xảy ra. Hơn thế nữa, khả năng phục hồi của họ sau thiên tai thường khó khăn hơn do các nguồn lực hạn chế. Thực tế tại Việt Nam, phụ nữ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai. Phụ nữ tham gia rất tích cực trong công tác chuẩn bị trước thiên tai, họ là người chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho gia đình, vận động người thân đi sơ tán. Cùng với nam giới, phụ nữ hỗ trợ công tác ứng phó, chăm sóc người già, trẻ em, người bị thương trong thiên tai. Ở nhiều địa phương, phụ nữ được đào tạo tập huấn để tham gia cứu hộ cứu nạn. Sau thiên tai, họ là trụ cột chính trong vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả. Vai trò của phụ nữ ngày càng tăng, đặc biệt ở những vùng nông thôn, vùng biển khi nam giới và thanh niên phần lớn đi đánh cá dài ngày hoặc di cư ra thành phố. Phụ nữ đóng vai trò chính trong sản xuất nông nghiệp và tham gia tích cực vào các hoạt động đào tạo tại cộng đồng."

\

Bà Đoàn Thị Tuyết Nga - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế phát biểu khai mạc hội thảo

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai. Trong các loại hình thiên tai, bão và lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất là thường xuyên và nguy hiểm nhất. Trung bình hàng năm, Việt Nam chịu từ 7 đến 10 cơn bão, đặc biệt năm 2017 có 16 cơn bão, 4 ATNĐ ảnh hưởng đến Việt Nam, kèm theo đó là mưa lớn gây lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Bên cạnh đó, hạn hán cũng thường xuyên xảy ra ở ĐBSCL và một số tỉnh miền trung, Tây Nguyên, đặc biệt là đợt hạn hán lịch sử cuối năm 2015, đầu năm 2016.

Thiên tai ngày càng cực đoan do tác động của BĐKH và việc phát triển kinh tế-xã hội thiếu bền vững gây thiệt hại nhiều hơn về người, tài sản và ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển bền vững của Việt Nam. Trung bình hàng năm, thiên tai gây thiệt hại 1,0-1,5% GDP và làm hơn 300 người chết và mất tích.

Hiện nay, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có thành viên chính thức là đại diện Hội Phụ nữ Việt Nam, góp phần giúp đại diện Hội Phụ nữ ở cơ sở trở thành một thành viên chính thức của Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp.  Hội Phụ nữ tham gia ngày tích cực và đóng vai trò quan trọng trong công tác chỉ đạo và ứng phó với thiên tai. Sự tham gia của Hội Phụ nữ, đại diện cho tiếng nói của phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương đã giúp công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai đáp ứng tốt hơn nhu cầu của những nhóm cộng đồng này. Năm 2016, Ban chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai đã cũng với UN Women Việt Nam và UNISDR tổ chức thành công Hội nghị Khu vực châu Á Thái bình dương về Giới và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai với sự tham gia của gần 400 đại biểu đến từ 22 quốc gia trong khu vực. Hội nghị đã đưa ra được Khuyến nghị Hà Nội về Giới và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, một tài liệu rất có ích trong quá trình lồng ghép giới vào xây dựng Kế hoạch Hành động của khu vực Châu Á tại Hội nghị Bộ trưởng châu Á về giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2016. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc cần phải làm để đưa bình đẳng giới và đưa tiếng nói, nhu cầu của các nhóm dễ bị tổn thương và chính sách và chương trình về phòng chống thiên tai một cách hiệu quả hơn, phù hợp những yêu cầu của Khung Sendai về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai:

- Thứ nhất, cần có các số liệu và thông tin có tách biệt về giới, tuổi và nhóm xã hội khác nhau. Hiện nay, Tổng cục Phòng chống thiên tai đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương về việc báo cáo số người thiệt hại sau thiên tai có tách biệt giới và tuổi. Hoạt động này hiện đang tiếp tục được tăng cường để việc triển khai được toàn diện trên tất cả các tỉnh thành và cho tất cả các đợt thiên tai. Cùng với đó, số liệu về rủi ro thiên tai và tình trạng dễ bị tổn thương cũng cần được tách biệt để xác định các nhóm yếu thế và có biện pháp ứng phó phù hợp.

- Thứ hai, công tác lồng ghép giới vào chính sách và chương trình phòng chống thiên tai tại Việt Nam đã được nhất quán đưa vào Luật phòng chống thiên tai, Chiến lược quốc gia về PCTT, tuy nhiên, việc cụ thể hóa hoạt động còn hạn chế. Việc thiếu các công cụ và tài liệu phân tích giới khiến công tác lồng ghép giới trong các chương trình về giảm nhẹ rủi ro thiên tai chưa đi vào thực tế.

- Thứ ba, cần có sự phối hợp và hợp tác kỹ thuật chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành liên quan trong trong xây dựng chính sách lồng ghép giới trong công tác phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ trong việc chia sẻ kinh nghiệm triển khai các dự án có lồng ghép giới và các đối tượng dễ bị tổn thương ở các địa phương là rất quan trọng.

- Thứ tư, quan niệm xã hội về vai trò của phụ nữ và nam giới trong công tác phòng chống thiên tai tại gia đình và cộng đồng với quan niệm phụ nữ yếu đuối và thường là nạn nhân của thiên tai đã hạn chế sự tham gia tích cực của phụ nữ vào việc lập kế hoạch và ra quyết định.

Tại hội thảo, bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam và ông Fereric Horberg, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cũng đã có bài phát biểu chào mừng các đại biểu tham dự hội thảo, đồng thời giới thiệu về chương trình làm việc của cuộc hội thảo.

Bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Ông Fereric Horberg, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai, ông Lê Quang Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế đã có báo cáo tham luận về "Lồng ghép giới trong phòng chống thiên tai tại Việt Nam"

Ông Lê Quang Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế báo cáo tại hội thảo

Tiếp sau đó, đại diện của UN Women và UN Environment giới thiệu về mục tiêu và các kết quả mong đợi của Dự án. Sau khi nghỉ giải lao, cuối buổi sáng, các đại biểu chia nhóm thảo luận. Trong buổi chiều nay, các đại biểu tiếp tục thảo luận về các hoạt động, kết quả đầu ra, kế hoạch thực hiện và khung giám sát của Dự án.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT