Đường dây nóng cứu hộ, cứu nạn: 02437.333.664 - 02437.349.821 - 069.696.348 - Fax:02437.333.845

Thống kê truy cập Online: 299 Tổng số truy cập: 7,639,292

< 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 >

Hội nghị về công tác ứng phó với hạn hán xâm nhập mặn

Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Cao Đức Phát đề nghị các bộ ngành là thành viên Ban  chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai tiến hành các giải pháp đồng bộ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đồng thời huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cuộc sống người dân và ổn định sản xuất, đặc biệt là không để người dân vùng hạn hán và xâm nhập mặn bị đói và thiếu nước sinh hoạt.

 

 

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai, El Nino 2014-2016 được đánh giá là một kỳ El Nino mạnh kỷ lục, có cường độ tương đương El Nino 1997-1998 và kéo dài nhất từ trước tới nay (khoảng 20 tháng). Do ảnh hưởng của El Nino hoạt động mạnh, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra nhiều đợt nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, hầu hết lượng nước trên các sông, suối, kênh rạch, hồ chứa đều thiếu hụt, gây nên tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nghiêm trọng, trên diện rộng. Riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có khoảng hai triệu người (12% dân số) chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn, mặn; khoảng 500 nghìn người thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nhiều nơi người dân phải mua nước ngọt để sinh hoạt với giá 80-120 nghìn đồng/m3, nhưng cũng rất khó khăn. Khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nhiều huyện thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đác Lắc, Đác Nông hạn hán, thiếu nước sinh hoạt ở mức nghiêm trong, thậm chí đến mức khốc liệt. Các giếng nước sinh hoạt của nhân dân nhiều nơi bị cạn kiệt, nhiễm phèn không bảo đảm cho sinh hoạt, sản xuất. Theo thống kê chưa đầy đủ, lúc cao điểm tỉnh Ninh Thuận có 65 xã của bảy huyện (khoảng 580 nghìn người); Kon Tum 17 xã của bốn huyện; Đác Nông năm xã của ba huyện; Gia Lai hai xã của một huyện; Đác Lắc năm huyện  bị thiếu nước nghiêm trọng…

Để khẩn cấp ứng phó, ngày 15-4, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị về công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai Cao Đức Phát. Trong thời gian qua, các bộ, ngành từ T.Ư đến địa phương đã hỗ trợ người dân vùng hạn khoảng 815 tỷ đồng; trong đó T.Ư hỗ trợ 453,9 tỷ đồng, địa phương 355,8 tỷ đồng, các nguồn khác năm tỷ đồng. Ngoài ra, các đơn vị quân đội trong vùng hạn, mặn đã điều hơn bốn nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, gần bốn nghìn chuyến xe, vận chuyển và cấp gần 35 nghìn m3 nước sạch cho các hộ dân vùng hạn bị thiếu nước; giúp dân đào 59 giếng nước, nạo vét 35 hồ, 10,5 km kênh mương dẫn nước, đắp 335 m3 đập ngăn nước; đào và lắp đặt gần 10 nghìn m đường ống dẫn nước sạch về các khu cân cư.

Tuy nhiên, theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn sẽ tiếp tục căng thẳng trong những tháng tiếp theo, bởi mùa mùa năm nay sẽ tiếp tục đến muộn, dự báo đến tháng 9 mới xuất hiện. Một điều đáng nói nữa là những tháng cuối năm 2016 có khả năng xuất hiện hiện tượng La Nina, gây khó khăn cho việc lùi thời vụ sản xuất vụ hè thu. Để chủ động đối phó với tình hình thời tiết cực đoan từ nay đến cuối năm, Bộ Trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai Cao Đức Phát yêu cầu Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư dự báo chính xác tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và mưa lũ những tháng tiếp theo, cập nhật chi tiết đến từng khu vực. Đặc biệt không để người dân thiếu đói, ưu tiên số một là nước sinh hoạt phục vụ người dân. Đồng thời huy động mọi nguồn lực hỗ trợ phương tiện trữ nước để người dân có ngay nước sạch phục vụ sinh hoạt, tránh phát sinh dịch bệnh. Mặt khác, ngành nông nghiệp cần lên kế hoạch điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, phù hợp diễn biến thời tiết; lên danh sách rà soát để bộ có cơ sở đề nghị Chính phủ bổ sung gạo cứu đói cho các địa phương, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại của người dân do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra.

Tại Hội nghị, Bộ Trưởng - Trưởng ban cũng đã cử 03 đoàn công tác đi địa phương đễ hỗ trợ trong công tác chống hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó Bộ Nông nghiệp và PTNT dẫn đầu đoàn công tác ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Quốc phòng đi các tỉnh Tây Nguyên và Bộ Công thương đi các tỉnh khu vực Nam Trung bộ.

                                                                                       Phòng Thông tin truyền thông