Đường dây nóng cứu hộ, cứu nạn: 02437.333.664 - 02437.349.821 - 069.696.348 - Fax:02437.333.845

Thống kê truy cập Online: 266 Tổng số truy cập: 7,639,485

< 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 >

Giám sát việc thực hiện chính sách về ứng phó Thiên tai và Biến đổi khí hậu

Chiều 25/4, tại Hà Nội, Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) của Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT)- Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai (PCTT).

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc 

 

Từ cuối năm 2014, do ảnh hưởng của El Nino mạnh, kéo dài nhất trong lịch sử, nền nhiệt độ tăng cao, lượng mưa và dòng chảy thiếu hụt. Hạn hán, xâm nhập mặn đã xảy ra gay gắt, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt là ở các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. 

Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, từ cuối năm 2015 đến nay, lượng mưa trong khu vực rất thấp, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đạt dung tích thấp so với thiết kế và cùng kỳ nhiều năm, nhiều hồ nhỏ đã cạn nước, các đập dâng phần lớn không còn khả năng cung cấp nước, một số sông suối trên địa bàn không còn dòng chảy. Hạn hán đã xảy ra trên diện rộng ở Tây Nguyên (chiếm tới 70% diện tích canh tác khu vực Tây Nguyên) và Nam Trung Bộ… 

Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, do mùa mưa năm 2015 đến muộn, kết thúc sớm và không có lũ, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm (TBNN) gần 2 tháng; phạm vi xâm nhập mặn vào đất liền sâu nhất lên đến hơn 90 km (chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn), độ mặn lớn nhất tại các khu vực lớn hơn và vào sâu trung bình nhiều năm từ 10-25km. Đã có 11/13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, thiếu nước ngọt nghiêm trọng.

Để ứng phó với diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai – Bộ NN&PTNT  đã triển khai các công việc:

- Ngay từ tháng 10 năm 2015, Ban Chỉ đạo đã tổ chức Hội nghị trực tuyến ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015-2016 và ảnh hưởng của hiện tượng Elnino do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng - trưởng ban Cao Đức Phát chủ trì hội nghị;

- Ban Chỉ đạo đã 04 công điện, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 chỉ thị chỉ đạo công tác phòng, chống  và ứng phó hạn hán, xâm nhập

- Tổ chức nhiều đoàn công tác  phối hợp với các địa phương đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống tại các địa phương bị hạn hán nghiêm trọng; Tổ chức 04 hội nghị do Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì để triển khai công tác ứng phó với hạn hán,  làm việc cụ thể với các địa phương bị ảnh hưởng để đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống, giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Tổ chức 02 Hội nghị với Cơ quan thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế để tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn;

- Chủ trì làm việc và có văn bản gửi Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam về việc xả nước các hồ chứa thượng nguồn để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long;

- Tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, đến nay đã hỗ trợ 2 đợt với tổng kinh phí là 1.008,4 tỷ đồng và 5.221 tấn gạo cho các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long để ổn định đời sống nhân dân và ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.

Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị: Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và huy động mọi lực lượng ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn. Trước mắt tập trung chủ yếu đảm bảo lương thực và  nước sinh hoạt cho nhân dân, không để nhân dân thiếu đói và nước sinh hoạt hoặc phải mua nước với giá cao; bố trí kinh phí, kế hoạch đầu tư trung hạn bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 để thực hiện các dự án quy mô lớn, hệ thống thủy lợi lớn liên tỉnh phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; Tiếp tục huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ kinh phí, vận chuyển, cung cấp nước sinh hoạt và trang thiết bị lọc nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng; khẩn trương thực hiện giải ngân các nguồn vốn đã được hỗ trợ nhằm bảo đảm cho công tác chống hạn hán, xâm nhập mặn và ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.

 

         Bộ trưởng - Trưởng ban phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn giám sát

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, mục tiêu tái cơ cấu nền nông nghiệp chủ yếu nhằm thích ứng với BĐKH và hội nhập quốc tế. Thiên tai diễn ra làm đảo lộn mọi mặt cuộc sống của người dân, trong khi đó dự báo càng ngày, thiên tai càng diễn biến gay gắt hơn, rất đáng lo. Cần tăng cường năng lực quốc gia về giám sát, dự báo về BĐKH để thông báo cho dân biết, nguyên tắc là phòng là chính, dân là chính, cơ sở là chính, không phải là từ Trung ương.  Cùng với đó, cần làm tốt các yêu cầu lồng ghép ứng phó BĐKH trong quy hoạch phát triển; chuyển đổi sản xuất, xác định rõ việc cần tiết kiệm, không thể coi nước là tài nguyên vô hạn.Về lâu dài, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức; tăng cường năng lực phòng chống thiên tai ở cộng đồng. "Hãy sẵn sàng và chủ động ứng phó với Thiên tai và BĐKH", Bộ trưởng Cao Đức Phát kêu gọi. Bộ trưởng đề nghị Đoàn giám sát tăng cường tuyên truyền nhân dân về công tác phòng chống thiên tai, tăng cường năng lực phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng, vận động mọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nguồn lực hỗ trợ vật chất, nước sạch,máy lọc nước…

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao ngành NN&PTNT đã có nhiều nỗ lực tham mưu kịp thời cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ có những  Nghị quyết, Chương trình cấp quốc gia ứng phó với phòng chống thiên tai và BĐKH.Đồng tình với những đề xuất của Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thời gian tới Bộ cần tiếp tục triển khai các giải pháp đã đề ra: Tăng cường bảo vệ rừng, phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; điều chỉnh chế độ canh tác, đẩy mạnh công nghệ tưới tiên tiến - tiết kiệm nước gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng - giảm cây trồng sử dụng nhiều nước, nghiên cứu, phát triển các giống cây trồng có thể thích hợp với nước ngọt, nước mặn và nước lợ; hoàn thiện hệ thống thủy lợi; hình thành phương pháp ứng phó tại chỗ; hỗ trợ nhân dân xây dựng các hệ thống trữ nước nhỏ...Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, MTTQ VN sẽ luôn đồng hành cùng Bộ NN&PTNT trong việc ứng phó với BĐKH. Trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ đi khảo sát tại Nam Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên, sau đó xây dựng kế hoạch phối hợp với các bộ ngành liên quan để phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH.Hai cơ quan có thể bàn, phối hợp xây dựng bộ tài liệu về các giải pháp ứng phó với BĐKH; tổ chức một cuộc thi viết về các giải pháp, công trình của người dân, nhà khoa học; giới thiệu các mô hình hay nhằm ứng phó với BĐKH. Đồng thời cần kêu gọi các nhà khoa học cung cấp các giải pháp để đất nước và các vùng đặc trưng ứng phó hiệu quả và thành công BĐKH.

                      Phòng Thông tin và Truyền thông