Đường dây nóng cứu hộ, cứu nạn: 02437.333.664 - 02437.349.821 - 069.696.348 - Fax:02437.333.845

Thống kê truy cập Online: 352 Tổng số truy cập: 7,599,719

< 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 >

Giải pháp ứng phó với bão số 3

Sáng nay, 1.8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã chủ trì cuộc họp thành viên Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai để triển khai các giải pháp ứng phó mưa bão số 3, còn có tên gọi quốc tế là cơn bão Wipha.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp công tác ứng phó mưa bão số 3

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), cho biết so với ngày hôm qua, sáng nay, cơn bão số 3 đã di chuyển chậm lại, tốc độ chỉ còn 5 - 10 km/giờ so với ngày hôm qua là 10 - 15 km/giờ.

Hiện tại, đĩa mây của bão đã hoàn chỉnh và đây là cơn bão có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, gây gió mạnh ở khắp đồng bằng Bắc bộ trong những ngày tới.

Cũng theo ông Khiêm, dự báo của Đài khí tượng Hoa Kỳ, bão số 3 sẽ đi vào bán đảo Lôi Châu và sau đó tan trên đất liền của Trung Quốc. Nhưng trong ngày hôm qua, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã có hiệp thương, thảo luận với Đài khí tượng Trung Quốc, đều thống nhất cho rằng, bão sẽ vào bán đảo Lôi Châu nhưng sau đó tiếp tục đi vào Hải Phòng.

Trên vịnh Bắc Bộ, bão có gió mạnh cấp 9 nhưng khi vào đến bờ, cường độ bão giảm xuống chỉ còn cấp 7 - 8.

“Các tỉnh Quảng Ninh đến Nam Định đều ảnh hưởng gió bão, trong đó trọng tâm là Quảng Ninh và Hải Phòng. Cụ thể, các tỉnh Quảng Ninh đến Thanh Hoá gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, riêng khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng có khả năng gió bão mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 10 - 11”, ông Khiêm nói.

Ông Khiêm cho biết, dự báo bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường nên nước dâng do ảnh hưởng của bão có thể lên tới trên 3 m. Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa bão, các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Thanh Hoá và Nghệ An có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Ông Mai Văn Khiêm Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTVQG cảnh báo cơn bão số 3 sẽ gây ra đợt mưa lớn, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Phát biểu tại cuộc họp Phó trưởng ban Ban chỉ đạo TW về PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai ông Trần Quang Hoài cho biết cập nhật đến sáng nay, đã có 20 tàu với 120 ngư dân đã phải vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) tránh, trú bão. Khu vực mưa bão ảnh hưởng có 42 hồ đang thi công, đê điều có 47 công trình hồ đang thi công. ông Trần Quang Hoài bày tỏ lo ngại trước dự báo nước biển dâng cao trên 3 m. Ông Hoài cho rằng, đây là tình huống khá nguy hiểm, uy hiếp các tuyến đê biển, đặc biệt là các vị trí xung yếu.

Phó trưởng ban Ban chỉ đạo TW về PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai ông Trần Quang Hoài  phát biểu tại cuộc họp

Đại diện của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, các đơn vị tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 38 điểm theo quy định.

Đồng thời phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 70 nghìn phương tiện; 757 tàu du lịch, tàu khách; 218 tàu vận tải… biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển phòng tránh và thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Ngoài ra, bộ đội biên phòng các tỉnh thành trong khu vực trên duy trì thường trực 6.884 cán bộ chiến sĩ với 300 phương tiện sẵn sàng xử lý tình huống khi có yêu cầu.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Tỉnh cảnh báo tình trạng ngập lụt ở nhiều nơi, trong đó lưu ý tập trung ở 2 tỉnh là Ninh Bình và Thanh Hoá do lượng mưa rất lớn.

Đại diện Trung tâm cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cũng cho hay, tổng số lực lượng quân đội trực từ Thanh Hoá, Nghệ An trở ra là hơn 337 nghìn cán bộ chiến sĩ và dân quân tự vệ, hơn 2.300 lượt phương tiện các loại sẵn sàng hỗ trợ cấp uỷ chính quyền và nhân dân các địa phương.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các địa phương bị ảnh hưởng, khi đã đưa người dân ở lồng bè, chòi canh lên bờ thì không được cho xuống. Ngoài ra, cần cấm biển, không cho khách du lịch ra các đảo.

“Hiện nay, một số người dân có xu thế đi du lịch ở các đảo khi có bão để trải nghiệm bão, đi xem bão. Do vậy, khi khách đã đặt tour du lịch vào dịp bão cần cấm biển, không cho người dân ra đảo để đảm bảo an toàn”, ông Hiệp nói.

Theo Thứ trưởng Hiệp, bão sẽ đổ bộ vào trưa mai, với cường độ mưa ở Đông Bắc Bộ 100-200mm, Bắc Trung Bộ 300-400 mm, thời gian mưa kéo dài. Đồng thời, nước triều cường dâng nên có thể gây ra ngập úng đô thị rất lớn.

Thứ trưởng yêu cầu các tỉnh, địa phương cần phòng tránh ngập lụt, có giải pháp để tránh ngập lụt bất ngờ, nước dâng quá nhanh khiến thiệt hại kinh tế lớn. Ngoài ra, đề phòng sạt lở đất, sạt trượt, cắm biển cảnh báo, hướng dẫn người dân qua ngầm, tràn.

Trước việc cống Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) được cho là đáng lo ngại vì chưa xử lý xong sự cố, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Tổng cục Thuỷ lợi cùng Hà Nội kiểm tra vì nếu cống này có chuyện thì Hà Nội sẽ gặp nguy hiểm.

Ông cũng đề nghị lực lượng vũ trang sẵn sàng lực lượng và trang thiết bị có thể đi bất kỳ thời tiết, địa hình nào và phương tiện nếu có sự việc xảy ra.

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Tổng cục Phòng chống thiên tai và Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) lập ngay các đoàn công tác rà soát, kiểm tra các công trình đang thi công, các điểm đê xung yếu để đôn đốc các địa phương có biện pháp đảm bảo an toàn, trước khi bão đổ bộ, cũng như có các trận mưa lớn.

 

 

Vụ TTCĐ-TCPCTT