Đường dây nóng cứu hộ, cứu nạn: 02437.333.664 - 02437.349.821 - 069.696.348 - Fax:02437.333.845

Thống kê truy cập Online: 289 Tổng số truy cập: 7,639,030

< 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 >

Diễn tập di dân vùng hạ lưu hồ Cửa Đạt trong tình huống xả lũ khẩn cấp

   
Các đại biểu tại buổi diễn tập.
 
(THO) - Hàng trăm người dân thôn Xuân Thịnh xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân đã mang theo đồ đạc, vật nuôi có giá trị, di chuyển đến nơi an toàn theo tình huống giả định. Việc vận hành xả lũ khẩn cấp của hồ Cửa Đạt cũng được diễn tập, đề phòng trường hợp nước hồ quá lớn, phải xả lũ để bảo đảm an toàn.
Ngày 31 - 10, UBND tỉnh tổ chức diễn tập “Cơ chế chỉ đạo, phối hợp thực hiện vận hành quy trình liên hồ chứa trong tình huống xả lũ khẩn cấp; thông tin đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng hạ du và công trình hồ Cửa Đạt tỉnh Thanh Hóa năm 2015”.
 
Đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh dự và chỉ đạo buổi diễn tập. Đại diện Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các ngành thành viên của BCH PCTT&TKCN tỉnh, lãnh đạo các huyện vùng hạ lưu hồ Cửa Đạt và đông đảo cán bộ cùng nhân dân xã Xuân Dương (Thường Xuân) cùng tham gia.
 
Buổi diễn tập được tiến hành theo 2 nội dung chính: tổ chức sơ tán dân hạ lưu hồ Cửa Đạt; vận hành xả lũ khẩn cấp và xử lý sự cố mất điện. Theo đó, sau khi có công điện của UBND tỉnh về việc xả lũ hồ Cửa Đạt, công điện của UBND huyện Thường Xuân về việc triển khai đối phó mưa lũ và sơ tán dân dọc bờ sông phía hạ lưu hồ Cửa Đạt, xã Xuân Dương đã sơ tán 50 hộ dân với 125 nhân khẩu ở thôn Xuân Thịnh cùng đồ đạc quan trọng và các loại vật nuôi giá trị tới vị trí an toàn. 
 
Diễn tập di dân thôn Xuân Thịnh xã Xuân Dương (Thường Xuân) trong tình huống hồ Cửa Đạt phải xả lũ khẩn cấp, gây ngập vùng hạ lưu.
 
Tiếp đó, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão công trình hồ Cửa Đạt đã tiến hành diễn tập vận hành xả lũ theo 2 bước: vận hành xả lũ bình thường theo quy trình và vận hành công trình theo tình huống mất điện lưới và sự cố máy phát. 
 
Phát biểu tổng kết tại hội nghị rút kinh nghiệm vào cuối buổi diễn tập, đồng chí Nguyễn Đức Quyền khẳng định: sự tham gia của chính quyền, nhân dân địa phương và các lực lượng chức năng đã đạt được yêu cầu đề ra, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, khẩn trương. Tinh thần và ý thức trách nhiệm của người dân cùng các lực lượng chức năng được phát huy cao độ, nghiêm túc. Buổi diễn tập đã góp phần nâng cao kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai, lũ lụt; giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản khi bão lũ xảy ra. 
 
Tuy nhiên, đồng chí Phó Trưởng Ban Thường trực BCH PCTT&TKCN tỉnh cũng thẳn thắn chỉ ra những vấn đề cần phải rút kinh nghiệm như: huyện và xã chỉ mới chú trọng việc di dân mà chưa quan tâm những vấn đề khác có thể xảy ra trong mưa lũ; việc di dân cũng cần xác định cụ thể từng thôn, từng hộ, đề cập được đường đi dân, nơi sơ tán dân... Đồng chí yêu cầu các ngành, các cấp của tỉnh nghiêm túc rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn những lần diễn tập tiếp theo, đồng thời ứng phó nhuần nhuyễn trên thực tế nếu có sự cố xảy ra.
 
Đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt diễn tập.
 
Sau buổi diễn tập, đồng chí Nguyễn Đức Quyền đã trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 9 tập thể và 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt diễn tập này.
Báo Thanh Hóa Điện Tử