Đường dây nóng cứu hộ, cứu nạn: 02437.333.664 - 02437.349.821 - 069.696.348 - Fax:02437.333.845

Thống kê truy cập Online: 112 Tổng số truy cập: 7,596,952

< 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 >

Chủ động phòng chống sạt lở bờ sông thành phố Cần Thơ

Mới đầu mùa mưa lũ năm nay, TP Cần Thơ đã xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông, rạch làm hàng chục ngôi nhà bị nhấn chìm và hư hỏng nặng phải di dời. Hiện nay, TP Cần Thơ có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao, đe dọa tính mạng, tài sản người dân, cần có giải pháp chủ động phòng chống sạt lở.

Ngày 21-5, tại sông Ô Môn thuộc khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn xảy ra vụt sạt lở bờ sông dài hơn 50m, ăn sâu vào đất liền 10m làm năm căn nhà dân bị nhấn chìm xuống sông, 30 căn nhà khác bị ảnh hưởng, phải di dời khẩn cấp. Đây là vụ sạt ở bờ sông lần thứ ba trong vòng hơn một tháng qua ở khu vực này, làm giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt người dân.

Ông Nguyễn Hoàng Thông, hộ có nhà bị sạt lở bờ sông Ô Môn lo lắng: “Mới đầu mùa mưa mà sạt lở xảy ra liên tiếp, người dân lo lắng không biết phải di dời đi đâu. Tôi mong chính quyền có biện pháp phòng chống sạt lở bờ sông, hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn”.

TP Cần Thơ nằm ven sông Hậu, chiều dài sông hơn 65km, có gần 1.200km kênh rạch cấp 1 và cấp 2. Dân cư sống tập trung ven theo các con sông, rạch nên việc sạt lở bờ sông, rạch đã và đang đe dọa đến tính mạng, tài sản người dân. Đặc biệt, vài năm gần đây, diễn biến sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố ngày một nghiêm trọng, phức tạp, gia tăng cả về cường độ và số lượng.

Năm 2011, TP Cần Thơ chỉ có 24 điểm sạt lở, đến năm 2018, số điểm sạt lở tăng lên hơn 100 điểm với chiều dài khoảng 56km. Các điểm nóng sạt lở gồm: sông Cần Thơ, sông Ô Môn, sông Bình Thủy và Trà Nóc, sông Thốt Nốt và các cồn trên sông Hậu như: cồn Sơn, cồn Khương (quận Bình Thủy), cồn Tân Lộc (quận Thốt Nốt), cồn Ấu (quận Cái Răng)…

Theo Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, sạt lở bờ sông, rạch trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra ở những nơi có nhà ven sông rạch đông đúc, nhà lấn chiếm sông rạch không bảo đảm an toàn. Sạt lở ven sông, rạch xảy ra quanh năm nhưng nghiêm trọng nhất vào mùa mưa lũ do lưu lượng nước nhiều, dòng chảy mạnh tạo nên những hàm ếch ở những khúc cong, ở vàm sông, cửa sông, nơi hợp lưu giữa các sông, rạch.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng các công trình cầu đường, nhà ven sông, rạch chưa tính đến ảnh hưởng của dòng chảy, sự gia tải của công trình xây dựng và nền địa chất yếu, phức tạp nên thời gian qua, nhiều công trình kè bảo vệ cầu, đường, nhà dân đang xây dựng bị sạt lở…

Nguyên nhân của tình trạng sạt lở là do tác động của biến đổi khí hậu làm thay đổi dòng chảy các con sông, rạch trên địa bàn; các đập thủy điện thượng nguồn sông Mê Công bị chặn dòng làm thủy điện nên lượng phù sa đổ về hạ nguồn giảm cộng với việc khai thác cát phục vụ xây dựng ở các sông, rạch tràn lan, không theo quy hoạch, dẫn đến sạt lở ngày càng nghiêm trọng…

Hiện nay, TP Cần Thơ đang triển khai nhiều biện pháp chủ động phòng chống sạt lở, trong đó chú trọng biện pháp công trình và phi công trình. TP Cần Thơ đã xây dựng xong đoạn kè sông Cần Thơ (phía bờ quận Cái Răng, dài khoảng 7km) và tiếp tục triển khai bờ kè phía quận Ninh Kiều; hoàn thành một đoạn kè ở cửa sông Trà Nóc, sông Ô Môn, sông Thốt Nốt… góp phần hạn chế sạt lở bờ sông.

Từ nay đến năm 2030, TP Cần Thơ đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng xây dựng 24 công trình phòng chống sạt lở, bờ sông rạch, di dời những hộ ven sông vào nơi an toàn.

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cắm biển báo những nơi thường xuyên bị sạt lở và những nơi có nguy cơ sạt lở để người dân và chính quyền địa phương đề phòng. Cùng với đó, hướng dẫn người dân phòng chống sạt lở theo phương thức truyền thống như trồng cỏ, thả lục bình ven sông; dựng cọc tre, cừ tràm, bao tải cát dọc theo bờ để bảo vệ bờ sông. Giải pháp này ít tốn kém, sử dụng vật liệu sẵn có, xây dựng đơn giản và đã trở thành kinh nghiệm sống của người dân ven sông, rạch, phù hợp với những vùng sạt lở do triều cường gây ra.

Tuy nhiên, việc phòng chống sạt lở gặp khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc triển khai xây dựng các kè chống sạt lở ven sông chậm, chỉ xây dựng ở những điểm xung yếu, chắp vá chứ chưa có kinh phí triển khai toàn tuyến để phòng chống sạt lở một cách căn cơ.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết: “Để chủ động phòng chống sạt lở bờ sông, rạch, UBND TP Cần Thơ chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai xây dựng các công trình kè sống sạt lở đã được phê duyệt. Đối với các điểm sạt lở mới ngoài kế hoạch đầu tư xây dựng công trình kiên cố, TP Cần Thơ có kế hoạch xây dựng các công trình bổ sung từ nguồn ngân sách và vốn vay ODA.

Việc xây dựng kè chống sạt lở cần nguồn vốn lớn, vì thế TP Cần Thơ rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành T.Ư, của Chính phủ để sớm thực hiện các công trình này, nhằm khắc phục các điểm sạt lở mới, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản người dân vùng sạt lở…

Lực lượng công an hỗ trợ người dân vùng sạt lở sông Ô Môn di dời, khắc phục hậu quả.

nhandan.com.vn