Đường dây nóng cứu hộ, cứu nạn: 02437.333.664 - 02437.349.821 - 069.696.348 - Fax:02437.333.845

Thống kê truy cập Online: 69 Tổng số truy cập: 7,603,052

< 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 >

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 31/7/2019

Thành phần ca trực

Họ và tên

 

Trưởng ca trực

Nguyễn Thanh Tùng

Cán bộ trực ban

Nguyễn Huỳnh Quang

Nguyễn Thành Kiên

Nguyễn Mạnh Hoàng

 

1. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT (Theo bản tin của TT DBKTTV QG)

1.1 Tin bão khẩn cấp:

Hồi 04 giờ ngày 01/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Hải Nam, cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 370km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, khoảng chiều ngày 01/8, bão đi vào khu vực phía Bắc của Vịnh Bắc Bộ. Đến 04 giờ ngày 02/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc Vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 12.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): Phía Bắc vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,0 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 03/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới đổi hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 12; sóng biển cao 3,0-5,5m; biển động rất mạnh.

Từ sáng nay (01/8), ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) có gió mạnh dần lên cấp 6, từ chiều và đêm nay tăng lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 12. Sóng biển cao từ 3-5m. Biển động rất mạnh.

Cảnh báo mưa: Từ 01/8 ở phía Đông Bắc Bộ có mưa dông kèm khả năng lốc xoáy và gió giật mạnh. Từ 01/8 đến ngày 04/8, ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, riêng các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn 200-400mm/đợt); ở các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa vừa đến mưa to (lượng mưa 50-150mm/đợt).

1.2. Thời tiết ngày và đêm 01/8:

- Các tỉnh Bắc Bộ: Nhiều mây, có mưa rào và dông vài nơi, chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, đêm có mưa to đến rất to. Gió bắc đến tây bắc cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

- Các khu vực khác: Nhiều mây, có mưa rào và dông vài nơi, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

2. TÌNH HÌNH MƯA

2.1. Mưa ngày (19h/30/7-19h/31/7): các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên rải rác có mưa, mưa vừa, lượng mưa phổ biến 20-40mm; một số trạm có lượng mưa lớn  hơn như: Bắc Quang (Hà Giang) 60mm; Hàm Tân (Bình Thuận) 62mm; PleiKu (Gia Lai) 66mm; Đồng Phú (Bình Phước) 56mm.

2.2. Mưa đêm (19h/31/7-07h/01/8): Khu vực Đông Bắc Bộ có mưa, lượng mưa phổ biến dưới 30mm, cục bộ có nơi có mưa to, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Hà Nam (Hà Nam) 51mm, An Giang (An Giang) 50mm.

2.3. Mưa 3 ngày (19h/28/7-19h/31/7): Các khu vực trên cả nước rải rác có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to, tổng lượng mưa phổ biến 30-60mm, một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Hà Giang (Hà Giang) 130mm; Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 115mm; Kon Tum (Kon Tum) 112mm; Pơ Mê Rê (Gia Lai) 105mm.

3. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA THỦY ĐIỆN TRÊN HỆ THỐNG SÔNG HỒNG

Các hồ chứa hiện đang còn ở mức thấp so với quy định, riêng hồ Tuyên Quang, Huội Quảng xấp xỉ mực nước cao nhất trước lũ, cần theo dõi chặt chẽ để vận hành đúng qui trình đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Lưu lượng dòng chảy từ Trung Quốc về Việt Nam trên thượng nguồn sông Đà chảy vào hồ thủy điện Lai Châu có xu hướng tăng so với ngày hôm trước.

4. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ THIÊN TAI

4.1. Trung ương

- Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT có Công điện số 08/CĐ-TW ngày 31/7/2019 chỉ đạo công tác ứng phó với bão;

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai có công văn số 347/TWPCTT-VP gửi Cục Lãnh sự đề nghị can thiệp hỗ trợ 20 tàu cá Quảng Bình tránh trú bão tại đảo Hải Nam, Trung Quốc;

- Các Bộ Công An, Giao thông vận tải; Tổng cục Thủy lợi đã có công điện chỉ đạo ứng phó bão số 03; Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị tuyến biển phối hợp cùng địa phương kêu gọi tàu thuyền về bờ và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

- Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin về bão số 03, diễn biến thiên tai trên các chương trình thời sự, bản tin thời tiết trên kênh thời sự tổng hợp.

4.2. Địa phương

- Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban, theo dõi các bản tin bão số 03 và diễn biến thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; các tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Ngãi đã có công điện chỉ đạo ứng phó bão số 03.

- Quảng Ninh:

+ Chiều ngày 31/7/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức họp trực tuyến với các huyện, thành phố triển khai công tác ứng phó với bão.

+ Toàn bộ các tàu đánh bắt xa bờ đã về bờ; tàu thuyền gần bờ về bờ trước 10h00 ngày 01/8/2019.

+ Khách du lịch trên đảo Cô Tô: đến 7h00 ngày 01/8/2019 còn khoảng 200 người, sẽ bố trí phương tiện cho những người có nhu cầu vào đất liền.

+ Căn cứ tình hình thực tế để cấm biển.

- Hải Phòng:

+ Tổ chức 8 đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai.

+ Cấm biển, đình chỉ hoạt động phà trước 12h00 ngày 01/8/2019.

+ Bố trí lực lượng giám sát trên cầu Lạch Huyện để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua cầu.

- Thái Bình

+ Hiện nay không còn tàu trong vùng nguy hiểm.

+ Dự kiến cấm biển trước 10h00 ngày 01/8/2019.

+ Đã thực hiện tiêu nước đệm từ 02 ngày trước.

5. TÌNH HÌNH TÀU THUYỀN

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.402 tàu/274.641 người, trong đó:

- Hoạt động trên biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa: 3.755 tàu/15.767 người;

- Hoạt động ở các khu vực khác và neo đậu tại các bến: 65.647 tàu/258.694 người.

Tính đến 22h00 ngày 31/7, còn 20 tàu/120 ngư dân của Quảng Bình (01 tàu mang số hiệu QB 98768 TS) vào tránh trú bão tại đảo Hải Nam, Trung Quốc, chưa rõ vị trí.

6. THIỆT HẠI DO THIÊN TAI

6.1. Lào Cai: Theo Báo cáo nhanh số 211/BC-VPTT ngày 31/7/2019, khoảng 1h00 ngày 31/7 chị Triệu Thị Khiết đi làm ca 2 tại xưởng gỗ tại xã Phú Nhuận qua ngầm tràn tại suối Nậm Mả - Võ Lao bị lũ cuốn trôi cả người và xe máy, hiện đang tìm kiếm người mất tích.

6.2. Hà Giang: Theo Báo cáo nhanh số 74/BC-VPTT ngày 31/7/2019 vào lúc rạng sáng ngày 31/7/2019 trên địa bàn huyện Quang Bình xảy ra mưa lớn kèm theo dông sét đã làm bị thương 01 người, Ngay sau khi thiên tai gây ra Ban phòng chống thiên tai và TKCN huyện Quang Bình đã xuống cơ sở kiểm tra và thăm hỏi, động viên người bị thương.

6.3. Lâm Đồng: Theo Báo cáo nhanh sô 41/BC-PCTT ngày 31/7/2019, khoảng 17h30 phút ngày 31/7/2019 trên địa bàn huyện Đạ Huoai đã xảy ra mưa giông kèm gió giật mạnh gây thiệt hại 03 căn nhà (02 nhà tại xã Đạ Oai, 01 căn nhà xã Mađaguôi), 10 hộ thiệt hại về chuồng trại chăn nuôi, cổng chào thôn 3 xã Hà Lâm bị gẫy đổ và làm đổ gẫy cây trông. Ước tính thiệt hại 150 triệu đồng.

7. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

7.1. Xác định thông tin, vị trí của 20 tàu Quảng Bình tránh trú tại đảo Hải Nam, Trung Quốc.

7.2. Tăng cường lực lượng trực ban phòng chống bão, lũ; chủ động, sẵn sàng tổ chức các đoàn công tác xuống địa bàn để chỉ đạo ứng phó với bão, lũ.

7.3. Đối với tuyến biển

- Sơ tán người khu vực nguy hiểm, nhất là khách du lịch trên các đảo;

- Hướng dẫn tàu thuyền di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt lưu ý tàu vận tải, tàu vãng lai, tàu khách. Duy trì liên lạc sẵn sàng xử lý sự cố;

- Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu đảm bảo an toàn tàu, thuyền tại bến;

- Chằng chống, di chuyển tránh trú lồng bè, chòi canh ven biển; chủ động thu hoạch sớm, giảm thiểu thiệt hại;

- Kiên quyết không để người ở lại các chòi canh, lều canh, lồng bè nuôi trồng hải sản;

   - Các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để cấm biển.

7.4. Đối với tuyến bờ

- Rà soát phương án ứng phó thiên tai, lưu ý kiểm soát việc triển khai phương án đảm bảo an toàn cho kho, bãi; các hoạt động kinh tế tại các địa phương có nguy cơ ảnh hưởng; công trình xây dựng đang thi công, khu du lịch ven biển.

- Chủ động vận hành hồ chứa tích nước, đồng thời chủ động các phương án điều tiết đảm bảo an toàn công trình.

- Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; phương án bảo vệ công trình đê điều, hồ đập đang thi công; chống ngập úng tại đô thị.

- Tiến hành tiêu nước đệm tại những khu vực có nguy cơ ngập úng.

7.5. Đối với khu vực miền núi:

- Rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Sẵn sàng phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.

- Tổ chức cắm biển cảnh báo; tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt./.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT