Đường dây nóng cứu hộ, cứu nạn: 02437.333.664 - 02437.349.821 - 069.696.348 - Fax:02437.333.845

Thống kê truy cập Online: 83 Tổng số truy cập: 7,558,869

< 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 >

Một số kinh nghiệm trong công tác trực ban và tham mưu điều hành hồ chứa

Tải về
Phòng chống thiên tai nói chung và trực ban phòng chống thiên tai nói riêng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, đóng vai trò quyết định trong việc giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Qua nhiều năm làm công tác trực ban CLB, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo PCLBTW đã rút ra được những bài học kinh nghiệm cơ bản mà mỗi người làm nhiệm vụ trực ban phải có

Một số kinh nghiệm trong công tác trực ban và tham mưu điều hành hồ chứa

  1. Những kinh nghiệm xử lý trong trực ban hàng ngày

Phòng chống thiên tai nói chung và trực ban phòng chống thiên tai nói riêng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, đóng vai trò quyết định trong việc giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Qua nhiều năm làm công tác trực ban CLB, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo PCLBTW đã rút ra được những bài học kinh nghiệm cơ bản mà mỗi người làm nhiệm vụ trực ban phải có; kinh nghiệm đó được đúc kết thành phương châm với 4 ý cơ bản như sau:

Trách nhiệm trong trực ban

Tâm huyết, nhạy cảm trong nghề nghiệp

Nhanh nhẹn, tháo vát trong công việc

Bình tĩnh, xử lý kịp thời các tình huống

1. Trách nhiệm trong trực ban:

Trong công tác trực ban đòi hỏi mỗi cán bộ trong ca trực phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tránh chủ quan dù ở trong bất kỳ thời điểm nào trong ca trực vì sau khi Luật phòng chống thiên tai ra đời, chúng ta không còn dừng lại ở phòng chống lụt bão nữa mà phải chỉ đạo ứng phó với 19 loại thiên tai (++)

Khi ca trực không có trách nhiệm điều gì sẽ xảy ra? Một ca trực bỏ nhiệm vụ trực ban, làm việc riêng... hoặc không có mặt tại trụ sở, thông tin chuyển đến không nhận được, hoặc nhận thông tin không đến nơi đến chốn, thông tin không chính xác, không kiểm tra, xác minh thông tin một cách rõ ràng. Trong trường hợp này việc chỉ đạo trực tiếp hoặc tham mưu đề xuất lên lãnh đạo sẽ không chính xác, không đạt yêu cầu; thậm chí nhiều khi gây hậu quả nghiêm trọng.

2. Tâm huyết, nhạy cảm trong nghề nghiệp:

Nhiệm vụ của trực ban là tiếp nhận những thông tin có liên quan đến thiên tai xảy ra trong ngày, đồng thời giải quyết những vấn đề trong phạm vi của người trực ban có thể giải quyết. Để làm tốt nhiệm vụ trực ban, người tham gia trực ban phải là những người có nhạy cảm tốt với nghề nghiệp của mình.

Tâm huyết là phải yêu nghề, mặc dù làm công tác PCTT vô cùng vất vả, nhất là khi có thiên tai lớn, kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng; lúc này người trực ban được ví như một người lính, nếu không yêu nghề sẽ không thể làm tốt công tác PCLB được.

Nhạy cảm là những linh cảm của nghề nghiệp trước những tình huống có thể xảy ra bất ngờ và nhờ nhạy cảm, người làm công tác trực ban có thể dự liệu trước những biện pháp để đề phòng. Nhờ nhạy cảm trong nghề nghiệp sẽ tránh được bị động khi sự việc mà mình linh cảm thấy xảy ra trong thực tế.

Nhiều vấn đề đòi hỏi người trực ban phải có nhạy cảm nghề nghiệp và kinh nghiệm phán đoán tình hình và mức độ thiên tai có thể xảy ra trong thời gian tới mà điều này không có trong bản tin dự báo như: với cùng một lượng mưa nhưng xảy ra ở những điểm khác nhau sẽ gây lũ khác nhau đối với hạ du, hay cường độ mưa như thế nào đối với từng khu vực sẽ có thể gây lũ quét, sạt lở đất; mưa lớn ở khu vực này sẽ có thể gây lũ cho sông nào… 

          Hàng ngày, trực ban phải thường xuyên theo dõi ảnh mây vệ tinh, đặc biệt khi có bão phải theo dõi sát đường đi và những diễn biến bất thường của bão để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo.

          Trong cơn bão Hyan năm 2013, trong khi hướng chỉ đạo quyết liệt đều hướng vào các tỉnh miền Trung và Lãnh đạo Ban Chỉ đạo đã đi vào miền Trung thì bão lại có xu hướng chuyển dần ra phía Bắc. Nhờ sự nhạy cảm trong nghề nghiệp, Trực ban đã tham mưu cho lãnh đạo để ra Công điện chỉ đạo kịp thời giúp các tỉnh Bắc Bộ có đủ thời gian chuẩn bị ứng phó, không bị động.

3. Nhanh nhẹn, tháo vát trong xử lý công việc:

Người tham gia trực ban phải là những người nhanh nhẹn, tháo vát; có nhanh nhẹn, tháo vát mới đảm bảo xử lý kịp thời các tình huống xảy ra trong ca trực, đặc biệt là các tình huống xảy ra bất ngờ nằm ngoài những diễn biến thông thường hàng ngày, một trong những tình huống đó đã xảy ra đối với hồ Hòa Bình năm 2007.

Vào đêm ngày 5 rạng sáng ngày 6/10/2007 là thời điểm nằm ngoài thời gian điều hành của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và hồ được phép tích đầy nước để phục vụ cho việc phát điện và chống hạn vào mùa khô tới. Vào thời điểm này đã xảy ra một trận mưa cực lớn ngay tại lòng hồ trong thời gian cực ngắn. Tất cả công tác dự báo đều hoàn toàn bị động và không dự báo được. Mực nước hồ lúc này là trên +116.7 (Mực nước cho phép cao nhất là 117.3), lưu lượng về hồ tăng rất nhanh và đạt 14.000m3/s – đây là lưu lượng lớn nhất trong chuỗi số liệu lịch sử cùng thời kỳ và cũng là lưu lượng lớn nhất trong năm; đặc biệt nguy hiểm khi tình huống này đã xảy ra vào ban đêm. Với khoảng cách chỉ còn gần 60cm là đầy hồ, như vậy hồ không còn khả năng để chứa lũ.

Để đảm bảo an toàn hồ, việc mở cửa xả đáy hồ Hòa Bình là việc không thể tránh khỏi. Hồ Hoà Bình đã mở dồn dập tới 6 cửa xả đáy ngay trong 1 đêm (trung bình 1 tiếng mở 1 cửa). Việc mở tới 6 cửa liên tiếp làm mực nước sông Đà lên gần 10m trong 1 đêm trong khi hạ du chưa nắm được thông tin mực nước lên nhanh như vậy.

Điều gì sẽ xảy ra khi mực nước lên nhanh và bất ngờ vào ban đêm như vậy?

Những hộ dân sinh sống ở ven sông, những tàu thuyền đang neo đậu trên sông để ngủ trong đêm, thiết bị khai thác ven sông, các thiết bị đang thi công các công trình ven sông... là những chủ thể bị đe dọa trực tiếp,

Nhận thức được mối nguy hiểm, không còn thời gian để báo cáo và chờ lãnh đạo quyết định, Trực ban đã kịp thời xử lý bằng cách điện ngay cho Lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) yêu cầu bằng mọi biện pháp thông báo ngay cho các hộ dân sinh sống ven sông và các chủ tàu, thuyền, phương tiện đang neo đậu trên sông, ven sông và đề xuất với các đồng chí Lãnh đạo Văn phòng Ban chỉ huy PCLB & TKCN các tỉnh trên yêu cầu huy động lực lượng vũ trang dùng loa tay đi dọc ven sông để thông báo cho dân biết khả năng mực nước có thể dâng đến đâu để nhân dân kịp thời ứng phó .

Việc xử lý hợp lý, nhanh chóng và kịp thời nói trên của trực ban đã giúp an toàn về người và tài sản của dân sinh sống ven sông, không có thiệt hại do ảnh hưởng của việc xả lũ.         

4. Bình tĩnh, xử lý kịp thời các tình huống:

Khi nhận được 1 thông tin về thiên tai bất ngờ xảy ra nằm ngoài dự kiến, người trực ban phải bình tĩnh, không được cuống, không được rối dẫn đến việc xử lý không đạt yêu cầu.

Ví dụ: Văn phòng thường trực đã xử lý việc hồ Yên Lập xảy ra sự cố vào năm 1980.

Sự cố hồ Yên lập vào tháng 11 năm 1980 , vào thời điểm này là mùa khô, không có thiên tai nào xảy ra, tình hình rất bình thường. Vào khoàng 20h trực ban nhận được thông tin từ bưu điện huỵên Yên Hưng - tỉnh Quảng Ninh “Hồ Yên Lập đã bị vỡ, nước đang chảy xối xả qua đường ra biển”.

Sau khi nhận được thông tin, trực ban đã bình tĩnh và tìm phương án giải quyết trước khi báo cáo lên lãnh đạo. Ngay lập tức trực ban đã điện cho chống lụt bão tỉnh Quảng Ninh nhưng Thường trực chống lụt bão tỉnh Quảng Ninh cũng không nắm được thông tin này. Tiếp theo trực ban đã đề nghị bưu điện Quảng Ninh nối máy với Ban Quản lý hồ Yên Lập thì được biết: Hồ bị vỡ cống xả lũ thi công, toàn thân đập rung mạnh (MN hồ lúc này gần xấp xỉ mực nước dâng bình thường). Trực ban đề nghị Ban Quản lý hồ Yên Lập cho biết mọi thông tin về Hồ Yên Lập (mực nước, kích thước cống, lưu lượng chảy qua  cống...). Tiếp theo dùng bản đồ để đánh dấu vị trí cống và tham mưu một số biện pháp xử lý trước mắt. Sau khi báo cáo toàn bộ sự việc cho lãnh đạo đồng thời Trực ban đề nghị chống lụt bão tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo lực lượng tại chỗ để cảnh giới tại 2 phía của Quốc lộ 18 đề phòng người và các phương tiện đi lại vào ban đêm qua đoạn đường này bị tai nạn đồng thời tham mưu với lãnh đạo cho hạ mực nước bằng cách xả qua tràn mặt để giảm độ rung cho đập và đã được lãnh đạo chấp thuận ngay.

Ngay trong đêm, Bộ trưởng - Trưởng Ban chỉ đạo PCLBTW đã cử đoàn công tác xuống hồ Yên Lập để xử lý.

Kết qủa việc xử lý: Nhờ có thông tin kịp thời nên đã không xảy ra chết người tại khu vực xảy ra sự cố. Tuy nhiên trong năm đó, hồ không thể cung cấp nước do đã cạn hồ

 

 

 

 

 

  1. Công tác điều hành liên hồ chứa trong mùa lũ, những vấn đề cần đặt ra, kinh nghiệm xử lý

Sử dụng các hồ chứa ở thượng nguồn hệ thống sông Hồng để cắt lũ là giải pháp tối quan trọng thứ 2 sau hệ thống đê điều, đóng vai trò quyết định cho sự an toàn của vùng đồng bằng bắc Bộ trong đó có thủ đô Hà Nội. Qua nhiều năm trực tiếp làm công tác tham mưu điều hành lien hồ chứa có thể rút ra một số vấn đề cần trao đổi và kinh nghiệm xử lý như sau:

- Cùng một bộ phận dung tích, các hồ chứa phải đảm nhận cùng một lúc 2 nhiệm vụ chính quan trọng ở tầm Quốc gia là chống lũ cho đồng bằng Bắc bộ, tích nước để phát điện và phục vụ nông nghiệp trong mùa khô; ngoài ra còn phục vụ nhiều mục đích khác như giao thông thủy, cấp nước sinh hoạt, du lịch... Hai mục đích chính là chống lũ và tích nước luôn có sự mâu thuẫn đối kháng với nhau và rất khó dung hoà. Muốn giải quyết mâu thuẫn này, việc điều hành hồ một cách có hiệu quả đóng vai trò vô cùng quan trọng và có ý nghĩa cực kỳ to lớn, đặc biệt đối với những năm ít nước, mùa lũ kết thúc sớm như những năm gần đây, riêng 2 năm 2011, 2014 hồ chứa không xả nước hoặc xả không đáng kể mới tích đước đầy hồ.

- Để điều hành hồ đạt hiệu quả cao, đầu tiên phải có một quy trình tổng thể, hợp lý và mềm dẻo. Trong những năm qua, Quy trình vận hành liên hồ chứa đã nhiều lần được điều chỉnh và hoàn thiện, trong đó có những Điều, khoản quy định cho phép người điều hành được vận dụng một cách mềm dẻo mà vẫn không vi phạp quy định nhằm phát huy hiệu quả tối đa các mặt lợi của Hồ chứa. Tuy nhiên, Quy trình hiện nay vẫn còn một số điểm chưa phù hợp cần phải chỉnh sửa tiếp.

- Ngoài việc có Quy trình hợp lý thì công tác dự báo dòng chảy đến hồ đóng vai trò quyết định. Dự báo dòng chảy đến hồ cho ta một cơ sở để quyết định phương án điều tiết hồ hợp lý. Nếu dự báo càng chính xác, thời gian dự kiến càng dài thì việc điều hành hồ chứa càng hiệu quả và quyết định đến sự an toàn ở hạ du. Hiện nay công tác dự báo lũ phục vụ điều hành liên hồ chứa ở nước ta còn một số vấn đề bất cập như:

+ Thời gian dự kiến rất ngắn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác tham mưu, điều hành, đặc biệt là đối với những trận lũ lên với cường suất lớn. Theo quy định hiện nay thời gian dự kiến dự báo dòng chảy đến hồ mới chỉ đạt được 24h và cũng chỉ với những trận lũ biến đổi đều từ thượng lưu về hạ lưu mới cho kết quả dự báo đạt yêu cầu.

+ Hầu hết những trận lũ do mưa tại chỗ trong lòng hồ công tác dự báo đều không đảm bảo, sai số rất lớn, thậm chí dự báo phải bổ sung nhiều lần trong ngày mới theo kịp được những biến đổi của dòng chảy.

+ Dự báo mưa và dự báo trung hạn độ chính xác chưa cao, dự báo dài chỉ dùng để tham khảo.

- Do Công tác dự báo chưa đảm bảo nên hiệu quả của việc điều hành hồ phụ thuộc nhiều vào người tham mưu và người ra quyết định điều hành.

- Muốn điều hành hồ chứa hiệu quả đòi hỏi người tham mưu và người ra quyết định điều hành phải có nhiều kinh nghiệm cả về vận dụng quy trình và phán đoán diễn biến dòng chảy đến hồ theo diễn biến của hệ thống thời tiết để điều hành mềm dẻo. Để điều hành hồ có hiệu quả đòi hỏi phải đặt lợi ích Quốc gia lên trên, vì vậy một số trường hợp phải vận dụng linh hoạt, không cứng nhắc mới có thể đáp ứng đồng thời các mục tiêu trên.

- Tuy công tác dự báo hiện nay chưa đáp ứng hoàn toàn công tác tham mưu điều hành nhưng nó đã đảm bảo chỉ ra được tương đối chính xác diễn biến của dòng chảy trong 24h giờ tới đối với những trận mưa lớn dải đều trên lưu vực; cùng với nhận định thời tiết trong 2, 3 đến 5 ngày tiếp theo sẽ giúp người làm công tác tham mưu có thể dự liệu được khả năng dòng chảy đến và cao trình mực nước hồ để có thể quyết định đề nghị cho xả hoặc không. Cũng cần phải nói thêm rằng để xảy ra những trận lũ lớn tương tự như những năm 1971, 1996, 2002 hoặc cao hơn cần phải có thời gian mưa kéo dài ít nhất từ 5 đến 7 ngày, khi đó chúng ta có đủ thời gian để quyết định việc điều hành.

- Sự phối hợp giữa Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo PCLBTW với các cơ quan có nhiệm vụ tính toán, dự báo, tham mưu điều hành cùng các Nhà máy thuỷ điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng giúp cho việc điều hành đạt hiệu quả./.

 

Khoa - PCTT MTTN